Theo TS Lê Hồng Minh (Viện trưởng Viện Nghiên cứu giáo dục và quản trị kinh doanh -EBM), việc tư vấn, giáo dục hướng nghiệp cho học sinh trung học (THCS và THPT) trong những năm qua đã có những chuyển biến tích cực, tuy nhiên, vẫn còn gặp nhiều khó khăn; nếu thẳng thắn nhìn nhận có thể nói là thất bại vì không đạt được mục tiêu như kỳ vọng . Do đó, cần phải có giải pháp triển khai đồng bộ, mạnh mẽ mới hiện thực hóa các mục tiêu đề ra.
Trao đổi với Giáo dục TP HCM, TS Lê Hồng Minh đã nêu ra một số vấn đề còn bất cập, hạn chế như:
Trước hết, đó là nhận thức của xã hội vẫn trọng bằng cấp. Việc bồi dưỡng, nâng cao kiến thức các môn thi đại học được các trường phổ thông chú trọng , trong khi lại “coi nhẹ” giáo dục hướng nghiệp, dạy nghề cho HS, nhất là nhóm không có khả năng và điều kiện tiếp tục học lên. Các cán bộ quản lý lại cho rằng, chỉ những tỉnh khó khăn, chất lượng giáo dục phổ thông còn thấp mới thực hiện các chỉ tiêu phân luồng, hướng nghiệp, còn những tỉnh chất lượng cao hơn chủ yếu hướng học sinh sau THPT vào đại học.
Thứ hai, ngành GD&ĐT và Lao động TB&XH chưa thực sự phối hợp chặt chẽ trong công tác phân luồng học sinh trung học. Chưa có thông tư liên bộ về tuyển sinh THPT và trung cấp nghề; các tỉnh, thành phố ban hành văn bản tuyển sinh THPT, GDTX riêng với tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp. Vì vậy, các trường THCS chủ yếu tiếp cận văn bản tuyển sinh THPT nên hướng học sinh thi vào cấp học này.
Thứ ba, chất lượng đào tạo nghề vẫn còn thấp, chưa đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp. Năng lực nghề nghiệp, trình độ ngoại ngữ, tin học, khả năng hợp tác của lao động nước ta chưa cạnh tranh được với lao động các nước.
Thứ tư, công tác giáo dục hướng nghiệp ở các trường THCS, THPT chưa đáp ứng yêu cầu; giáo viên kiêm nhiệm chưa được đào tạo về chuyên môn, nghiệp vụ hướng nghiệp.
Tiến sĩ Lê Hồng Minh
Một số giải pháp được TS Minh nhấn mạnh:
Quan trọng nhất là nâng cao nhận thức về giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh phổ thông; đổi mới và tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của cơ quan quản lý giáo dục các cấp, các cơ sở giáo dục phổ thông, cha mẹ học sinh, học sinh về ý nghĩa, tầm quan trọng của giáo dục hướng nghiệp.
Thứ hai, đưa nhiệm vụ giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trung học vào chủ trương, kế hoạch chỉ đạo phát triển kinh tế – xã hội của từng địa phương.
Cơ hội thành công cao nếu học sinh được định hướng đúng ngành nghề. Ảnh minh họa
Thứ ba, xây dựng trang thông tin về giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh phổ thông; hình thành cơ sở dữ liệu về nghề nghiệp, thị trường lao động và thông tin, dữ liệu liên quan đến ngành, nghề…
Thứ tư, phát triển đội ngũ giáo viên kiêm nhiệm làm nhiệm vụ tư vấn, hướng nghiệp trong các trường trung học; bổ sung, hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật về giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh phổ thông.
Thực ra Đề án giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trung học đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2018. Tuy nhiên, những người làm giáo dục cần thẳng thắn nhìn nhận lại công tác triển khai đã đạt được kết quả đến đâu; còn để hỏng khỏan nào và cần đẩy mạnh điều gì để phát triển được mục tiêu như đề án đưa ra. Đây là vấn đề mà theo tôi, trong nhiều năm làm công tác chuyên môn hướng nghiệp đã đúc kết được kinh nghiệm, là chúng ta cần phải giải quyết tốt những vấn đề như tôi vừa nêu trên. TS Minh, chia sẻ thêm.
Xuân Lữ
TS Lê Hồng Minh( Viện trưởng EBM), người có nhiều năm nghiên cứu và triển khai lĩnh vực hướng nghiệp, dạy nghề. Một số đề tài nghiên cứu của ông được đánh giá cao như: Xây dựng mô hình Trung tâm dạy nghề Quận 3 – TP.HCM (năm 1983-1985); Một số giải pháp tăng cường công tác tư vấn hướng nghiệp (năm 1999-2003); Đề xuất giải pháp tăng cường công tác tư vấn hướng nghiệp và hoàn thiện một số trắc nghiệm hướng nghiệp cho học sinh phổ thông (năm 2001-2003)… |